Nhân rộng các mô hình sản xuất nông sản an toàn

Nhân rộng các mô hình sản xuất nông sản an toàn

Sản xuất nông nghiệp an toàn, ứng dụng công nghệ cao đang được nhiều nông dân tronh tỉnh áp dụng để nâng cao hiệu quả kinh tế, đáp ứng yêu cầu người tiêu dùng và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Vườn ớt trồng trong nhà lưới của gia đình ông Thạch Rạch Ta Na (bên trái), xã Ngũ Lạc, huyện Duyên Hải.

Xã Ngũ Lạc, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh có diện tích tự nhiên trên 3.800ha; trong đó đất sản xuất nông nghiệp gần 1.800ha. Toàn xã có trên 4.660 hộ dân với gần 19.000 nhân khẩu; trong đó hộ dân tộc Khmer chiếm trên 64%. Đời sống kinh tế của người dân địa phương chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp.

Đồng chí Lê Minh Tâm, Phó Chủ tịch UBND xã Ngũ Lạc cho biết, để nâng cao hiệu quả sản xuất, những năm gần đây, địa phương tích cực vận động người dân đầu tư, xây dựng nhà lưới để trồng rau an toàn. Nông dân tham gia mô hình được tiếp cận chính sách theo Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Trà Vinh quy định chính sách hỗ trợ tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh năm 2021 – 2025, với mức hỗ trợ xây dựng tối đa 50 triệu đồng/nhà luới hở và 100 triệu đồng/nhà lưới kín đối với diện tích 1.000m2.

Đến nay, địa phương hỗ trợ xây dựng 23 nhà lưới trồng rau an toàn trên địa bàn với trên 03ha. Xã đã giải ngân tổng số tiền gần 1,5 tỷ đồng hỗ trợ 19 hộ dân, với 04 nhà lưới còn lại của 01 hợp tác xã và 03 hộ dân, xã đang hoàn thiện thủ tục hỗ trợ, giải ngân. Bên cạnh chính sách theo Nghị quyết này, nông dân tham gia mô hình còn được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ Hỗ trợ nông dân để đầu tư sản xuất.

Theo đánh giá của hầu hết các hộ tham gia mô hình rau màu trồng trong nhà lưới cho hiệu quả kinh tế cao hơn ngoài mô hình từ 30 – 50%, giảm đáng kể chi phí sản xuất như: nhân công, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; năng suất và chất lượng rau màu cũng cao hơn nhiều so với ngoài mô hình. Nhà lưới có thể tái sử dụng nhiều năm.

Gia đình ông Thạch Khanh, xã Ngũ Lạc, huyện Duyên Hải có 5.000m2 đất canh tác lúa và rau màu. Năm 2021, được địa phương vận động, ông đầu tư xây dựng nhà lưới trên diện tích 1.000m2 để trồng rau muống. Tổng chi phí xây dựng nhà lưới trên 100 triệu đồng; trong đó, nhà nước hỗ trợ 50 triệu đồng, nguồn vốn vay ưu đãi từ Quỹ hỗ trợ nông dân 50 triệu đồng, số tiền còn lại gia đình đối ứng. Song song đó, ông Khanh cũng trồng loại rau này trên 1.000m2 đất bên ngoài theo tập quán cũ để so sánh hiệu quả.

Kết quả, năm 2022, tổng thu nhập từ vườn rau muống trong nhà lưới đạt 150 triệu đồng, cao hơn 50 triệu đồng so với vườn rau muống trồng bên ngoài mô hình cùng diện tích. Điều ông Khanh hài lòng hơn là mô hình khá nhẹ công chăm sóc, ít sâu bệnh, có thể canh tác vào mùa mưa mà không lo rau bị dập úng, thối cây. Năng suất cao, có thể sản xuất quanh năm, chi phí nhân công, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giảm nên lợi nhuận của nông dân cao hơn nhiều so với cách sản xuất theo tập quán cũ.

Cũng là một hộ dân được tiếp cận Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Trà Vinh, gia đình ông Thạch Rạch Ta Na, Trưởng ban Nhân dân ấp Thốt Lốt, xã Ngũ Lạc được hỗ trợ 50 triệu đồng xây dựng mô hình trồng ớt sừng vàng trong nhà lưới 1.000m2, hiện đang thu hoạch lần thứ 02. Ông Thạch Rạch Ta Na cho rằng, ngoài những ưu điểm trên, thì canh tác trong nhà lưới, rau màu phát triển xanh mướt, “bắt mắt” hơn nên khá dễ tiêu thụ.

Tuy nhiên, điều bất hợp lý hiện nay là giá rau màu trồng theo tập quán cũ và rau màu an toàn trồng trong nhà lưới đều như nhau nên chưa khuyến khích được nhiều nông dân địa phương tham gia mô hình; trong khi chi phí đầu tư nhà lưới ban đầu khá cao, dao động từ 70 – 120 triệu đồng/nhà lưới, ngoài nguồn hỗ trợ của nhà nước thì nông dân phải đối ứng thêm, vì vậy chưa nhiều hộ mạnh dạn tham gia mô hình.

Theo ông Ta Na, các hộ trồng rau an toàn trong nhà lưới đều mong muốn ngành chức năng có giải pháp hỗ trợ nâng cao giá trị nông sản an toàn, đẩy mạnh liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ, giá bán phải cao hơn giá nông sản trồng theo tập quán cũ. Có như vậy thì người dân mới mạnh dạn chuyển đổi sản xuất, hướng đến nền nông nghiệp sạch, bền vững trong tương lai.

Thực hiện Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Trà Vinh quy định chính sách hỗ trợ tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh giai đoạn 2021 – 2025, theo kế hoạch, tỉnh Trà Vinh bố trí kinh phí hơn 390 tỷ đồng để thực hiện chính sách này. Riêng năm 2023, tỉnh Trà Vinh bố trí gần 50 tỷ đồng từ nguồn ngân sách để thực hiện chính sách; trong đó, 09 huyện, thị xã, thành phố được bố trí trên 37 tỷ đồng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh gần 13 tỷ đồng.

Đồng chí Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trà Vinh cho biết, cùng với việc hỗ trợ nông dân sản suất rau an toàn trong nhà lưới, chính sách theo Nghị quyết này cũng hỗ trợ các địa phương thực hiện quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP; trồng mới hoặc cải tạo vườn cây ăn quả, cây dừa, vườn tạp, đất trồng mía; hỗ trợ chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang các cây trồng, vật nuôi khác; hỗ trợ các cơ sở tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP)… Hiện ngành nông nghiệp đang phối hợp với các địa phương tích vận động nông dân nhân rộng các mô hình sản xuất sạch, an toàn để phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu và đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.

Toàn tỉnh hiện có trên 24.300ha diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh nông sản; đồng thời bảo vệ môi trường sinh thái, nâng cao thu nhập cho người dân khu vực nông thôn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *